Chương 13: Vài con số
Một lát sau, chúng tôi đã ngồi trên đi-văng phòng khách, miệng ngậm xì-gà. Thuyền trưởng trải ra trước mặt tôi những bản sơ đồ tàu Nau-ti-lúx cắt ngang và cắt dọc. Ông ta nói:
-Thưa ngài, đây là những bản vẽ con tàu của chúng ta. Tàu có dáng một hình trụ dài, hai đầu hình nón. Nó giống một điếu xì gà, và ở Luân Đôn người ta cho rằng hình đó là thích hợp nhất đối với loại tàu này. Tàu dài bảy mươi mét, chỗ rộng nhất là tám mét. Nó không được đóng theo tỷ lệ chiều rộng bằng một phần mười chiều dài như cái tàu chạy hơi nước của các ngài. Tuy vậy, với kích thước đó, tàu vẫn rẽ nước một cách dễ dàng và không bị ảnh hưởng gì đến tốc độ. Kích thước đó cho phép tính ra diện tích và thể tích tàu Nau-ti-lúx. Diện tích nó là một ngàn mười một mét vuông, thể tích là một ngàn năm trăm mét khối. Tóm lại khi tàu lặn hẳn xuống nước, nó đẩy đi một ngàn năm trăm mét khối nước hay một ngàn năm trăm tấn nước. Khi thiết kế chiếc tàu ngầm này, tôi tính toán rằng lúc cho tàu xuống nước, chín phần mười thể tích nó sẽ chìm, còn một phần mười sẽ nổi. Trong những điều kiện đó, con tàu sẽ chỉ đẩy đi một lượng nước bằng chín phần mười thể tích của nó, nghĩa là một ngàn ba trăm năm sáu mét khối, hay một ngàn ba trăm năm sáu tấn nước. Như vậy, cấu tạo con tàu không cho phép một trọng lượng vượt quá con số đó. Tàu Nau-ti-lúx có hai vỏ: một vỏ ngoài, một vỏ trong, được nối với nhau bằng những xà bằng sắt, khiến tàu có sức bền đặc biệt. Nhờ cấu tạo như vậy, tàu trở thành một khối vững chắc có thể chống lại mọi áp lực bên ngoài. Tàu vững chắc không phải do những đinh tán ở vỏ ngoài mà nhờ được hàn liền và tính đồng nhất của vật liệu. Do đó, tàu có thể chống chọi được với những vùng biển hung dữ nhất. Hai vỏ tàu được làm bằng thép tấm có tỷ trọng bảy phẩy tám. Vỏ ngoài dày ít nhất năm cen-ti-mét, nặng ba trăm chín tư phẩy chín sáu tấn. Vỏ trong lòng tàu: sống, cao năm mươi cen-ti-mét, rộng hăm nhăm cen-ti-mét, nặng sáu hai tấn. Máy móc, đồ đạc, thiết bị các loại tổng cộng nặng chín trăm sáu mốt phẩy sáu hai tấn. Như vậy, trọng lượng cả tàu là một ngàn ba trăm năm sáu phẩy năm tám tấn, ngài rõ chứ ạ?
-Rất rõ, -tôi trả lời. Thuyền trưởng nói tiếp:
-Khi chạy trên mặt đại dương, tàu nổi lên một phần mười. Nếu muốn tàu chìm hẳn xuống thì cần có những bể chứa được một lượng nước bằng một phần mười thể tích của nó, hay là một trăm năm mươi phẩy bảy hai tấn nước. Lúc này trọng lượng tàu sẽ là khoảng một ngàn năm trăm linh bảy tấn, và nó sẽ chìm hẳn xuống. Thưa giáo sư, trên thực tế đúng là như vậy! Trong tàu Nau-ti-lúx có những bể chứa, chỉ cần mở vòi là nước sẽ vào, tàu sẽ chìm xuống ngang mặt biển.
-Thưa thuyền trưởng, ở đây nảy ra một khó khăn chính. Cứ cho rằng tàu của ngài có thể chìm xuống ngang mặt biển. Nhưng xuống tới các lớp nước sâu, lẽ nào nó không phải chịu một áp lực rất cao của các lớp nước phía trên? Lẽ nào lớp áp lực đó lại không đẩy tàu từ dưới lên bằng một lực khoảng một át-mốt-phe ở độ sâu mười mét, nghĩa là khoảng một ki-lô-gam trên một cen-ti-mét vuông?
-Hoàn toàn đúng như vậy.
-Thế là muốn tàu Nau-ti-lúx lặn xuống biển sâu, ngài phải cho nước vào đầy các bể chứa?
-Thưa giáo sư, chẳng cần tốn nhiều công sức lắm mới cho tàu lặn được sâu, vì vỏ tàu có khuynh hướng "chìm" trong nước... Tôi có những bể chứa dự trữ chứa được một trăm tấn nước. Nhờ đó, tôi có thể cho tàu lặn xuống rất sâu. Nếu muốn tàu nổi lên ngang mặt biển, tôi chỉ cần bơm nước ra khỏi bể chứa phụ. Nếu muốn tàu nổi lên khỏi mặt nước một phần mười thể tích, tôi phải bơm hết nước ra khỏi tất cả các bể chứa.
-Thưa thuyền trưởng, tôi phải thừa nhận là ngài đã tính toán rất đúng, tranh cãi với ngài thật vô ích, hơn nữa những tính toán đó hàng ngày được chứng minh là chính xác. Nhưng lại nảy sinh ra một nghi ngờ...
-Nghi ngờ gì, thưa ngài?
-ở độ sâu một ngàn mét, vỏ tàu Nau-ti-lúx phải chịu một áp suất là một trăm át-mốt-phe, phải không ạ? Nhưng nếu ngài muốn bơm hết nước ra khỏi các bể chứa để tàu nổi lên mặt nước thì các máy bơm của ngài phải thắng được áp suất một trăm át-mốt-phe, phải không ạ? Mà áp suất đó là một trăm ki-lô-gam trên một cen-ti-mét vuông! Thế thì máy bơm phải mạnh lắm...
-Và chỉ có thể chạy bằng điện, -Nê-mô vội nói nốt.
-Thưa ngài, tôi xin nhắc lại rằng những khả năng của tàu Nau-ti-lúx hầu như không bị hạn chế. Những máy bơm trên tàu rất mạnh. Ngài đã thấy điều đó khi cả một cột nước lớn do những máy bơm đó giội lên boong tàu Lin-côn. Vả lại, tôi chỉ dùng những bể chứa dự trữ trong trường hợp hãn hữu, nghĩa là khi cần cho tàu lặn xuống sâu từ một ngàn năm trăm mét đến hai ngàn mét. Chỉ khi cần lắm tôi mới bắt ắc-Quy làm việc nhiều. Và nếu tôi hứng lên muốn cho tàu lặn xuống đáy biển, dưới độ sâu hai ba hải lý, tôi sẽ dùng một phương pháp phức tạp hơn nhưng không kém bảo đảm hơn.
-Phương pháp gì vậy, thưa thuyền trưởng?
-Tôi hỏi.
-Trước hết, tôi cần kể ngài nghe về cách lái con tàu.
-Thưa thuyền trưởng, tôi rất nóng lòng muốn nghe!
-Muốn lái con tàu sang trái, sang phải hay chạy vòng, tóm lại, muốn lái tàu trên mặt phẳng nằm ngang, tôi sử dụng tay lái bình thường. Nhưng tôi có thể lái tàu theo chiều thẳng đứng, từ trên xuống và từ dưới lên, bằng hai mặt phẳng nằm nghiêng, gắn ở thành tàu chỗ mực nước. Hai mặt phẳng đó không cố định, từ trong tàu có thể thay đổi vị trí của chúng bằng những đòn bẩy rất mạnh. Nếu chúng nằm song song với lòng tàu thì tàu chạy trên mặt phẳng nằm ngang. Nếu nó nghiêng đi thì tùy theo độ nghiêng mà tôi biết tàu đang lặn xuống theo một đường chéo có thể kéo dài tùy ý, hay đang nổi lên cũng theo đường chéo đó. Ngoài ra, còn có thể cho tàu nổi lên nhanh hơn bằng cách cho chân vịt ngừng hoạt động. Dưới áp lực nước, tàu Nau-ti-lúx sẽ nổi phình lên mặt biển theo chiều thẳng đứng, như một quả khí cầu được bơm căng khinh khí.
-Thuyền trưởng cừ lắm!
-Tôi reo lên.
-Nhưng làm thế nào lái được tàu một cách mò mẫm như vậy?
-Buồng lái của tàu nhô lên khỏi thân tàu và được lắp một loại kính dày.
-Kính chịu sao được áp suất lớn như vậy?
-Chịu được rất tốt! Pha lê rơi xuống đất dễ vỡ, nhưng lại chịu được áp lực nước rất lớn! Năm 1864, ở biển Bắc đã tiến hành đánh cá thử bằng ánh sáng điện. Kết quả ra sao? Những đĩa nhỏ bằng pha lê dày bảy mi-li-met đã chịu được áp suất mười sáu át-mốt-phe! Ngoài ra còn có thêm một dòng điện mạnh nữa. Còn những tấm kính tôi đang dùng thì dày ít nhất hai mươi mốt cen-ti-mét, nghĩa là dày hơn những đĩa pha lê nói trên ba mươi lần.
-Thưa thuyền trưởng, tôi đã rõ! Nhưng muốn định hướng trên đường đi thì phải có ánh sáng, mà dưới biển thì tối đen...
-Phía sau buồng lái có một đèn pha cực mạnh chiếu xa tới nửa hải lý.
-Thưa thuyền trưởng, thật là giỏi, giỏi lắm! Bây giờ tôi đã hiểu vì sao biển lại sáng rực một vùng, làm các nhà bác học phải lúng túng... Nhân tiện xin ngài cho biết thêm, vụ tàu Nau-ti-lúx và Xcốt-len đâm vào nhau gây ra bao dư luận ồn ào, phải chăng chỉ là chuyện ngẫu nhiên?
-Thưa giáo sư, hoàn toàn ngẫu nhiên! Tàu tôi đang chạy dưới mặt biển hai mét thì xảy ra tai nạn. Nhưng tôi cũng thấy ngay là hậu quả không nghiêm trọng lắm.
-Thưa ngài, không sao! Nhưng còn việc ngài chạm trán với tàu Lin-côn...
-Thưa giáo sư, rất tiếc là một trong những chiến hạm tốt nhất của hạm đội Mỹ đã bị nạn. Nhưng người ta đã tấn công tôi, buộc tôi phải tự vệ. Tuy vậy, tôi cũng chỉ làm nó mất khả năng tấn công thôi. Nó chỉ cần sửa chữa qua loa ở một cảng gần nhất.
-Thưa thuyền trưởng, tàu Nau-ti-lúx của ngài quả là một con tàu tuyệt diệu.
-Thưa giáo sư, vâng, -Nê-mô xúc động, -tôi yêu nó như máu thịt mình! Nếu tàu bè của các ngài phải chịu đựng mọi bất ngờ khi đi biển và gặp hiểm nguy ở khắp nơi, nếu ấn tượng đầu tiên mà biển gây ra cho các ngài là sự khiếp sợ vực thẳm, thì ở trên tàu Nau-ti-lúx này, con người có thể yên tâm. ở đây chẳng sợ thân tàu bị bẹp vì hai vỏ tàu còn rắn hơn sắt; ở đây chẳng có buồm mà sợ gió làm rách, chẳng có nồi hơi mà sợ bị nổ, chẳng sợ cháy vì không có vật gì bằng gỗ, chẳng có than mà sợ hết, vì tàu hoàn toàn chạy bằng điện; chẳng sợ đâm vào tàu khác vì chỉ có mình nó dưới biển sâu; ở đây chẳng sợ bão táp vì chỉ dưới mặt nước vài mét, biển rất lặng! Thưa giáo sư, chiếc tàu ngầm này hoàn hảo như vậy đó! Và nếu đúng là người phát minh tin ở con tàu của mình hơn người chế tạo, và người chế tạo lại tin hơn thuyền trưởng, thì ngài hiểu là tôi tin tưởng ở tàu Nau-ti-lúx đến mức nào, vì tôi vừa là người phát minh, vừa trực tiếp chế tạo, vừa là thuyền trưởng con tàu đó. Nê-mô nói rất hào hứng. Cái nhìn bốc lửa, những động tác mạnh mẽ làm ông ta khác hẳn lúc thường. Đúng, ông ta yêu quý con tàu của mình như cha yêu con. Một câu hỏi, có thể là sỗ sàng, bật khỏi miệng tôi:
-Thưa ngài Nê-mô, ngài là kỹ sư ạ?
-Thưa giáo sư, vâng. Tôi đã theo học ở Luân Đôn, Pa-ri và Niu I-oóc khi còn là người của mặt đất.
-Nhưng sao ngài có thể giữ được bí mật việc đóng chiếc tàu ngầm kỳ diệu này?
-Thưa ngài, mỗi bộ phận của tàu tôi đặt làm ở một nước. Công dụng của mỗi thứ hàng đặt làm tôi đều bịa ra. Thân tàu được đóng ở Crơ-dô (Pháp), trục quay làm ở Luân Đôn, vỏ tàu ở Li-vớc-pun (Anh) chân vịt ở Gla-dơ-gâu (Anh), bể chứa ở Pa-ri, mũi nhọn của tàu đặt làm ở Thụy Điển, máy móc chế tạo ở Phổ, các máy đo làm ở Niu I-oóc, vân vân. Họ nhận được những bản vẽ của tôi dưới những tên khác nhau.
-Nhưng sau khi nhận được những bộ phận riêng lẻ, ngài phải lắp ráp lại chứ ạ?
-Xưởng đóng tàu của tôi ở trên một hòn đảo vắng giữa đại dương. ở đó anh em công nhân do tôi đào tạo, những đồng chí dũng cảm của tôi đã lắp ráp tàu Nau-ti-lúx dưới sự điều khiển của tôi. Khi tàu đóng xong, chúng tôi đã đốt cháy mọi vết tích của mình trên đảo, và nếu có thể, tôi còn cho nổ tung cả đảo lên nữa!
-Có lẽ chiếc tàu đã làm ngài tốn khá nhiều tiền?
-Thưa giáo sư, mỗi tấn tốn một ngàn một trăm hăm nhăm Phrăng. Tàu Nau-ti-lúx nặng một ngàn năm trăm tấn. Như vậy, đóng nó tốn chừng hai triệu Phrăng, nếu chỉ tính tiền thiết bị. Cộng thêm ít nhất bốn
-năm triệu Phrăng nữa là giá trị các bộ sưu tập và các tác phẩm mỹ thuật được bảo tồn trên tàu.
-Xin thuyền trưởng cho tôi hỏi một câu cuối cùng!
-Xin ngài cứ hỏi.
-Thuyền trưởng giàu lắm, phải không ạ?
-Tôi giàu có vô tận. Tôi có thể trả hộ nước Pháp món nợ mười tỷ Phrăng một cách dễ dàng! Tôi đăm đăm nhìn Nê-mô. Chẳng biết ông ta có lạm dụng lòng tin của tôi không? Thời gian sẽ trả lời.
No comments:
Post a Comment