Chương 14: Dòng "sông Đen"
Nước chiếm một diện tích hơn ba mươi tám triệu héc-ta trên mặt đất. Thể tích khối nước đó là hai tỷ hai trăm năm mươi triệu hải lý khối. Nếu hình dung khối nước đó là hình cầu thì đường kính của nó là sáu mươi dặm, nặng ba tỷ tấn. Nói một cách hình tượng thì đó là lượng nước của tất cả các dòng sông đều chảy liền trong bốn vạn năm!... Tương quan giữa đất và nước trên địa cầu đã nhiều lần thay đổi và cuối cùng địa hình có cái diện mạo như chúng ta thấy trên các bản đồ địa lý hiện nay. Đất liền đã lấn được của nước ba mươi bảy triệu sáu trăm năm bảy hải lý vuông, hay là mười hai tỷ chín trăm mười sáu triệu héc-ta. Hình dáng các lục địa cho phép chúng ta chia biển ra làm năm khu vực chính: Bắc Băng Dương, Nam Băng Dương, ấn Độ Dương, Đại Tây Dương, Thái Bình Dương. Thái Bình Dương chạy suốt từ bắc xuống nam, chiếm cả khoảng không gian giữa hai cực, và chạy từ tây sang đông, nằm giữa châu Á và châu Mỹ, chiếm một trăm bốn nhăm độ kinh. Đó là đại dương yên lặng nhất, luồng nước rộng và không chảy xiết, nước triều lên xuống vừa phải, mưa nhiều. Đó là đại dương mà tôi bắt đầu cuộc hành trình trong những điều kiện đặc biệt nhất. Thuyền trưởng Nê-mô nói:
-Thưa giáo sư, nếu ngài muốn ta sẽ xác định đúng nơi chúng ta đang ở, xác định đúng điểm xuất phát của cuộc hành trình của chúng ta. Bây giờ là mười một giờ bốn nhăm phút. Tôi sẽ ra lệnh cho tàu nổi lên mặt biển. Thuyền trưởng bấm chuông điện ba lần. Lập tức các máy bơm bắt đầu bơm nước ra khỏi các bể chứa. Kim trên áp kế nhích dần lên trên, cho biết áp suất ngày càng giảm. Cuối cùng, kim đứng yên.
-Chúng ta đã lên tới mặt biển, -Nê-mô nói. Tôi đi về phía chiếc thang ở trung tâm. Sau khi trèo lên thang, tôi chui qua một cái nắp rồi lên boong tàu. Tàu nổi lên khỏi mặt nước không quá tám mươi cen-ti-mét. Thân tàu tròn và dài giống hệt một điếu xì gà. Tôi chú ý tới vỏ tàu bằng thép tấm ghép lại, trông tựa vẩy của loài bò sát. Và tôi hiểu vì sao người ta tuy có những kính viễn vọng mạnh nhất, nhưng vẫn tưởng lầm con tàu là một con cá biển. Chiếc xuồng được giấu một nửa trong thân tàu, tạo nên một chỗ lồi nhỏ ở giữa boong. Phía mũi và phía lái có hai buồng nhỏ, thấp, một phần được lắp kính dày: phía trước là buồng lái, phía sau có một đèn pha rất mạnh để soi đường.
Biển rất đẹp, trời quang. Thân tàu hình thoi chỉ hơi bập bềnh trên sóng. Ngọn gió đông thổi nhẹ làm mặt biển lăn tăn. Sương mù không che phủ chân trời nên có thể quan sát một cách rất chính xác. Tầm mắt nhìn xa không bị vướng một vật gì. Chẳng có một hòn đảo nhỏ, một mỏm đá, chẳng còn một vết tích gì của tàu Lin-côn... Chỉ có trời nước mênh mông! Thuyền trưởng Nê-mô lấy máy chuẩn bị đo độ cao của mặt trời để xác định tàu đang ở độ vĩ nào. Khi quan sát, không một thớ thịt nào của tay ông ta rung lên, tựa như cái máy đang nằm trong tay một pho tượng vậy.
-Đúng giữa trưa, -Nê-mô nói, -thưa giáo sư, mời ngài... Tôi đưa mắt nhìn lần cuối cùng mặt nước màu hơi vàng, chắc là gần bờ biển Nhật Bản, rồi theo Nê-mô xuống phòng khách. Nê-mô dùng đồng hồ tính toán, xác định độ kinh của nơi đó rồi kiểm tra lại. Ông ta nói:
-Thưa ngài A-rô-nắc, chúng ta đang ở 137,15 độ kinh tây.
-Theo kinh tuyến nào?
-Tôi hỏi ngay và hy vọng rằng câu trả lời sẽ làm sáng tỏ hơn vấn đề quốc tịch của Nê-mô.
-Thưa ngài, tôi có nhiều loại đồng hồ để theo kinh tuyến Pa-ri, kinh tuyến Grin-uýt và kinh tuyến Oa-sinh-tơn. Nhưng để tỏ lòng kính trọng ngài, tôi đã chọn kinh tuyến Pa-ri. Câu trả lời này chẳng giải đáp được vấn đề gì. Tôi nghiêng mình cảm ơn. Nê-mô nói tiếp:
-Chúng ta đang ở 137,15 độ kinh tây thuộc kinh tuyến Pa-ri và 30,7 độ vĩ bắc, nghĩa là cách bờ biển Nhật Bản ba trăm hải lý. Hôm nay, mùng 8 tháng 11, đúng 12 giờ trưa, chúng ta bắt đầu cuộc hành trình vòng quanh trái đất ngầm dưới biển.
-Cầu chúa che chở cho chúng ta!
-Tôi nói.
-Bây giờ, xin giáo sư tiếp tục công việc của mình. Tôi đã ra lệnh cho tàu chạy theo hướng đông
-đông bắc ở độ sâu năm mươi mét. Trên bản đồ sẽ đánh dấu đường đi của tàu. Phòng khách thuộc quyền ngài sử dụng. Xin tạm biệt ngài. Thuyền trưởng Nê-mô cáo từ rồi đi ra. Tôi ở lại với những ý nghĩ của mình. Tôi nghĩ về Nê-mô. Liệu sau này tôi có biết được quốc tịch của con người bí ẩn đã từ bỏ Tổ quốc mình không? Cái gì đã khiến ông ta căm ghét loài người, một lòng căm ghét, khao khát trả thù? Phải chăng ông ta là một trong những nhà bác học không được thừa nhận, là một thiên tài "bị người đời hắt hủi", như Công-xây nói? Chẳng ai biết! Số phận đã ném tôi lên tàu ông ta, tính mệnh tôi nằm trong tay ông ta. Ông ta tiếp đón chúng tôi một cách lạ lùng nhưng vẫn chu đáo. Đưa tay cho tôi bắt!
Tôi suy nghĩ liên miên suốt một tiếng đồng hồ và cố gắng đi sâu vào bí mật của con người ấy. Mắt tôi vô tình dừng lại nơi tấm bản đồ thế giới trải trên bàn. Tôi lần ngón tay trên bản đồ và tìm thấy giao điểm độ kinh và độ vĩ mà thuyền trưởng Nê-mô đã chỉ. Các đại dương cũng như các lục địa đều có những dòng sông của riêng mình. Đó là những hải lưu rất dễ nhận ra theo màu sắc và nhiệt độ. Hải lưu đáng kể nhất là Gơn-xtơ-rim. Khoa học đã ghi vào bản đồ trái đất năm hải lưu lớn nhất: hải lưu thứ nhất ở phía bắc Đại Tây Dương, thứ hai ở Phía nam Đại Tây Dương, thứ ba ở phía bắc Thái Bình Dương, thứ tư ở phía nam Thái Bình Dương, hải lưu cuối cùng là phía nam ấn Độ Dương. Rất có thể hải lưu thứ sáu đã tồn tại vào thời kỳ mà Lý Hải, biển A-ran và những hồ lớn của châu Á còn nối liền với nhau làm một. Tàu Nau-ti-lúx chạy theo một hải lưu kể trên, có cái tên Nhật Bản là Cu-rô-xi-vô, nghĩa là "Sông đen". Ra khỏi vịnh Băng-gan, được những tia thẳng đứng của mặt trời sưởi nóng, hải lưu này chảy qua eo Ma-lắc-ca, dọc theo bờ biển châu Á rồi vòng theo bờ biển phía bắc Thái Bình Dương, tới quần đảo A-lê-út. Nó cuốn theo những thân cây long não, những thực vật nhiệt đới, màu xanh thẳm của hải lưu ấm áp khác hẳn với nước đại dương xanh ngắt. Tôi nghiên cứu đường đi của hải lưu trên bản đồ và thấy nó bị mất hút giữa Thái Bình Dương mênh mông. óc tưởng tượng đã làm tôi say sưa đến nỗi Nét Len và Công-xây vào phòng khách lúc nào không hay. Nét và Công-xây sững sờ trước cảnh huyền diệu đang hiện ra trước mắt.
-Chúng ta đang ở đâu thế này? ở đâu?
-Nét kêu lên.
-Có phải ở Viện bảo tàng Quê-bếch không?
-Các bạn của tôi ơi, -tôi mời họ xích lại gần, -không phải các bạn đang ở Ca-na-đa hay ở Pháp đâu, mà đang ở trên tàu Nau-ti-lúx dưới mặt biển năm mươi mét.
-Giáo sư đã nói vậy thì phải tin thôi, -Công-xây đáp, -nhưng xin thú thật rằng phòng khách này có thể làm cho một người phơ-la-măng như tôi cũng phải ngạc nhiên.
-Anh bạn ơi, bạn cứ ngạc nhiên đi và hãy xem kỹ những tủ kính này. ở đấy bạn sẽ thấy nhiều điều kỳ lạ đối với một người chuyên phân loại như bạn. Công-xây thì chẳng cần phải cổ vũ nhiều. Anh ta cúi xuống xem xét và lẩm bẩm những thuật ngữ sinh vật học. Trong khi đó, Nét Len, vì không thạo về nhuyễn thể học, nên hỏi han tôi về cuộc gặp gỡ vừa qua với thuyền trưởng Nê-mô, về lai lịch ông ta, về ý đồ của ông ta. Tóm lại, anh ta hỏi tôi liên miên làm tôi không kịp trả lời. Tôi nói lại với Nét tất cả những gì tôi biết, đúng hơn là những gì tôi không biết. Rồi tôi lại hỏi Nét về những điều anh ta nghe thấy được.
-Tôi chẳng nghe, chẳng nhìn thấy gì cả.
-Nét trả lời.
-Thậm chí chẳng thấy một bóng thủy thủ nào. Chẳng lẽ thủy thủ cũng bằng điện?
-Bằng điện sao được!
-ấy ấy, có thể bằng điện lắm chứ! Nhưng thưa ngài A-rô-nắc, -Nét bị ý nghĩ của mình ám ảnh, -ngài có thể cho tôi biết số người trên tàu này không? Mười người, hai mươi người, năm mươi người, một trăm người?
-Ông Nét ơi, tôi không thể trả lời ông được đâu! Ông hãy nghe tôi, hãy bỏ ngay cái ý định đoạt tàu Nau-ti-lúx hay bỏ trốn đi. Chiếc tàu này là một kỳ công của kỹ thuật hiện đại và tôi sẽ rất ân hận nếu không được tìm hiểu nó kỹ càng. Có lẽ nhiều người mong được ở vào địa vị chúng ta để được ngó những kỳ quan này! Vì vậy, ông hãy bình tĩnh lại. Chúng ta sẽ cùng quan sát những gì đang xảy ra xung quanh.
-Quan sát những cái gì?
-Nét hét lên.
-Trong cái ngục tù bằng sắt này thì còn thấy gì nữa mà quan sát! Chúng ta đang đi như những thằng mù... Nét chưa kịp nói hết câu thì phòng khách bỗng tối sầm, khiến mắt tôi nhức nhối như khi từ trong bóng tối bước ra chỗ sáng gay gắt. Chúng tôi đứng sững tại chỗ và chẳng biết sau đó sẽ là điều hay, hay dở. Nhưng bỗng có tiếng rì rầm, tựa như vỏ tàu bằng sắt bắt đầu tách ra.
-Thôi chết rồi!
-Nét nói.
-Bộ sứa thủy tức!
Công-xây lẩm bẩm. Phòng khách đột nhiên lại sáng lên. ánh sáng từ hai phía dọi vào phòng qua những ô kính hình bầu dục lớn ở tường. Nước biển chan hòa ánh điện. ạ cửa bằng pha lê ngăn cách chúng tôi với đại dương. Thoạt tiên tôi rùng mình khi nghĩ tới chuyện những tấm kính mỏng manh kia có thể vỡ. Nhưng khung kính vững vàng bằng đồng khiến ô cửa có độ bền không gì phá vỡ nổi. Biển sâu được chiếu sáng một hải lý. Quang cảnh trước mắt tôi đẹp tuyệt vời, không bút nào tả xiết. Chẳng bàn tay họa sĩ nào vẽ được tất cả cái dịu dàng của màu sắc, của ánh sáng lung linh trong nước biển trong vắt từ đáy lên. Ai cũng biết nước biển rất trong. Người ta đã xác định rằng nước biển sạch hơn nước suối nhiều. Những chất khoáng và chất hữu cơ trong nước biển chỉ làm cho nó trong hơn. ở một số nơi ngoài đại dương, gần quần đảo Ăng-ti, qua lớp nước sâu một trăm bốn nhăm mét có thể thấy rất rõ đáy biển phủ cát, còn tia sáng mặt trời có thể xuyên sâu tới ba trăm mét...
Những ô cửa ở hai bên phòng khách nhìn ra đáy biển mênh mông. Bóng tối trong phòng càng tăng thêm ánh sáng rực rỡ bên ngoài. Nhìn qua ô cửa, ta có cảm tưởng như đứng trước một bể nuôi cá khổng lồ. Tàu Nau-ti-lúx dường như đứng yên một chỗ, vì xung quanh chẳng thấy một điểm nào động đậy. Tuy nhiên nước biển do mũi tàu rẽ ra hai bên đôi khi lao qua vun vút trước mắt chúng tôi. Say mê cảnh đẹp biển sâu, chúng tôi tựa vào khung cửa, dán mắt nhìn qua ô kính, mãi chẳng nói nên lời. Cuối cùng, Công-xây bảo Nét:
-Anh Nét thân mến ơi! Anh vẫn muốn được xem, bây giờ hãy xem đi cho thỏa!
-Kỳ diệu thật! Kỳ diệu thật!
-Nét phấn khởi. Anh ta đã quên cả sự giận dữ lẫn những kế hoạch chạy trốn của mình.
-Từ xa đến đây để ngắm cảnh thần tiên này cũng đáng! Tôi nói:
-Đúng, bây giờ tôi đã hiểu được cuộc sống của con người này. Ông ta đã đi sâu vào một thế giới đặc biệt, và thế giới đó đã mở ra trước mắt ông ta những bí mật thầm kín nhất của nó!
-Nhưng cá đi đâu cả rồi nhỉ?
-Nét hỏi.
-Tôi chẳng thấy con cá nào.
-Anh muốn thấy cá để làm gì, anh bạn?
-Công-xây trả lời.
-Anh có hiểu gì về cá đâu!
-Tôi ấy à? Tôi là dân chài mà không hiểu về cá à? Thế là giữa hai người nổ ra một cuộc tranh luận. Cả hai đều hiểu biết về cá, nhưng mỗi người theo cách riêng của mình. Công-xây nói:
-Anh Nét thân mến ơi, anh đánh cá rất cừ. Nhưng tôi cam đoan với anh rằng anh chẳng có một khái niệm gì về cách phân loại cá cả.
-Phân loại chúng ấy à?
-Nét nghiêm chỉnh trả lời. Phân chúng ra làm hai loại: loại chén được và loại không chén được.
-Đó là xếp loại theo kiểu thực phẩm!
-Công-xây bỗng reo lên.
-Kìa cá! Có thể nói trước mắt chúng ta là một bể nuôi cá!
-Không đúng!
-Tôi nói.
-Bể nuôi cá dù sao cũng chỉ là một cái chậu, còn những con cá này tự do thoải mái như chim trên trời...
Đàn cá hộ tống tàu Nau-ti-lúx suốt hai tiếng đồng hồ. Chúng tôi ngây người ra vì thích thú. Nét gọi tên từng loại cá. Công-xây phân loại chúng, còn tôi thì say sưa nhìn chúng tung tăng. Tôi chưa từng được thấy những con cá đẹp thế này trong môi trường tự nhiên của chúng. Phòng khách bỗng lại bật đèn sáng. Những cánh cửa sổ bằng sắt khép lại. Cảnh thần tiên biến mất. Có lẽ tôi sẽ còn bị mê đi lâu nữa nếu mắt tôi không vô tình trông thấy những dụng cụ treo trên tường. Kim địa bàn vẫn chỉ hướng đông bắc, áp kế chỉ năm át-mốt-phe, cho biết độ sâu là năm mươi mét, đồng hồ điện chỉ tốc độ mười lăm hải lý một giờ. Tôi chờ thuyền trưởng Nê-mô, nhưng ông ta không đến. Đồng hồ chỉ năm giờ chiều. Nét Len và Công-xây đã trở về phòng mình. Tôi cũng về phòng riêng. Bữa ăn đã dọn sẵn trên bàn. Tối hôm đó, tôi đọc, viết và suy nghĩ. Khi thấy buồn ngủ, tôi nằm xuống giường và thiếp đi trong lúc tàu Nau-ti-lúx băng theo dòng "Sông đen" chảy xiết.
No comments:
Post a Comment