Hai vạn dặm dưới biển chương 15

Chương 15: Giấy mời
Hôm sau, mùng 9 tháng 11, tôi thức giấc sau khi ngủ mười hai tiếng đồng hồ liền. Theo lệ thường, Công-xây đến hỏi xem "Giáo sư ngủ có ngon giấc không" và có sai bảo gì không. Còn ông bạn Nét của anh ta thì vẫn ngủ li bì chẳng biết trời đất gì. Tôi cứ để Công-xây hỏi hết câu này đến câu khác, nhưng chỉ trả lời anh ta ậm ừ cho xong chuyện. Tôi thắc mắc vì thấy thuyền trưởng Nê-mô vắng mặt trong buổi qua và hy vọng sẽ gặp ông ta hôm nay... Mặc quần áo xong, tôi sang phòng khách. Vắng lặng. Tôi bèn nghiên cứu những nhuyễn thể quý trong tủ kính. Tôi xem xét kỹ mẫu những cây cỏ quý dưới biển mặc dù đã khô nhưng vẫn giữ được màu sắc tươi thắm. Ngày đã hết mà thuyền trưởng Nê-mô vẫn chẳng đến gặp tôi. Cánh cửa sổ bằng sắt ở phòng khách vẫn đóng kín. Hay người ta không muốn cho chúng tôi ngắm nhìn thỏa mãn cảnh tuyệt diệu vừa rồi? Tàu Nau-ti-lúx chạy theo hướng đông -đông bắc ở độ sâu năm mươi, sáu mươi mét với tốc độ mười hai hải lý một giờ. Hôm sau, mùng 10 tháng 11, cũng trôi qua như vậy: không một thủy thủ nào xuất hiện, Nét và Công-xây gần suốt ngày ở bên tôi. Họ ngạc nhiên về sự vắng mặt của thuyền trưởng. Hay con người kỳ diệu đó bị ốm? Hay ông ta đã thay đổi ý định đối với chúng tôi? Tuy nhiên, như Công-xây đã nhận xét rất đúng, chúng tôi chẳng có điều gì phải phàn nàn: chúng tôi được tự do hoàn toàn, được ăn uống ngon lành, đầy đủ. Chủ nhà của chúng tôi nghiêm chỉnh tôn trọng những điều khoản đã thỏa thuận. Ngoài ra, chính hoàn cảnh đặc biệt của chúng tôi cũng đem lại bao nhiêu hứng thú, khiến chúng tôi không có quyền kêu ca gì về số phận. Từ ngày đó tôi bắt đầu ghi chép đều đặn những sự việc xảy ra. Vì vậy, tôi không thể thuật lại tất cả cuộc phiêu lưu một cách hết sức chính xác.
Một chi tiết đáng chú ý: tôi đã ghi nhật ký trên giấy làm bằng cỏ biển.
Ngày 11 tháng 11, tôi thức dậy từ sáng sớm. Làn không khí mát lành báo hiệu tàu đã nổi lên mặt đại dương để dự trữ dưỡng khí. Tôi bước ra phía cầu thang rồi trèo lên boong. Lúc đó là sáu giờ sáng. Trời ảm đạm, biển màu xám nhưng chỉ hơi gợn sóng. Liệu thuyền trưởng Nê-mô có xuất hiện không? Tôi hy vọng gặp ông ta ở đây. Nhưng ngoài người lái tàu ngồi trong phòng kính, trên boong chẳng có ai. Ngồi trên chỗ để xuồng nhô lên khỏi thân tàu, tôi tranh thủ thở hít không khí đại dương đượm mùi muối. Những tia nắng mặt trời dần dần xua tan sương mù. ở chân trời phía đông nhô lên một vừng tròn đỏ rực. Biển bùng lên như thuốc súng. Những áng mây cao và tản mạn nhuốm những màu sắc êm dịu lạ thường, còn những đám mây vẫn viền quanh thì báo trước một ngày lộng gió. Nhưng tàu Nau-ti-lúx thì đến bão cũng chẳng sợ nữa là gió! Tôi đang hân hoan đón mặt trời mọc -một hiện tượng huy hoàng đầy sức sống của thiên nhiên -thì bỗng nghe tiếng chân bước. Tôi chuẩn bị chào thuyền trưởng Nê-mô, nhưng đó chỉ là thuyền phó -tôi đã thấy ông này trong buổi gặp gỡ đầu tiên với Nê-mô. Ông ta lên boong, hình như không nhận ra sự có mặt của tôi. Ông ta đưa ống nhòm lên mắt và hết sức chăm chú quan sát chân trời. Rồi ông ta đi tới chỗ nắp tàu và nói một câu. Tôi nhớ rất chính xác vì sau này nó được nhắc đi nhắc lại hằng ngày trong những trường hợp tương tự. Câu đó như sau:
"Nautron respoc lorni virch!" Nghĩa là gì, tôi cũng chịu! Nói xong, thuyền phó đi xuống. Tôi sợ tàu lặn xuống nên cũng vội vã xuống theo. Năm ngày nữa trôi qua, không có gì thay đổi. Sáng nào cũng theo lên boong. Sáng nào thuyền phó cũng nói câu ấy. Thuyền trưởng Nê-mô vẫn không xuất hiện. Tôi tưởng sẽ chẳng bao giờ gặp lại ông ta nên đành an phận. Nhưng ngày 16 tháng 11, khi cùng Nét và Công-xây vào phòng, tôi thấy một mảnh giấy gửi cho tôi để trên bàn. Tôi vội mở ra xem. Thư viết tiếng Pháp nhưng kiểu chữ gô-tích in giống kiểu chữ cái Đức.
Kính gửi giáo sư A-rô-nắc, trên tàu Nau-ti-lúx. Ngày 16 tháng 11 năm 1867. Thuyền trưởng Nê-mô mời giáo sư tham gia cuộc đi săn sáng mai trong khu rừng của thuyền trưởng ở đảo Crét-xpô. Thuyền trưởng hy vọng rằng sẽ không có gì cản trở giáo sư nhận lời này. Ngoài ra, thuyền trưởng rất sung sướng nếu những người bạn của giáo sư sẽ cùng đi.
Chỉ huy tàu Nau-ti-lúx Thuyền trưởng Nê-mô.
-Đi săn à?
-Nét hỏi.
-Trong khu rừng của ông ta ở đảo Crét-xpô nữa chứ!
-Công-xây thêm.
-Thế là con người này đôi khi cũng lên bờ?
-Nét hỏi.
-Ông ta nói rất rõ ràng như vậy, -tôi vừa đọc lại thư vừa trả lời.
-Còn đợi gì nữa! Ta nhận lời mời thôi.
-Nét nói.
-Lên tới mặt đất, ta sẽ có cách xử sự. Thêm nữa, nếu được chén một miếng thịt tươi cũng tốt. Tôi không muốn xác định mối quan hệ giữa lòng căm ghét đất liền của thuyền trưởng Nê-mô với lời mời đi săn ở đảo Crét-xpô nên chỉ trả lời:
-Trước hết ta hãy xem đảo đó trên bản đồ ở 34,40 độ vĩ bắc và 167,50 độ kinh đông. Nó được thuyền trưởng Crét-xpô phát hiện ra năm 1801, và trên các bản đồ Tây Ban Nha cổ, nó có tên là Rocca de la Plata, nghĩa là "Mỏm đá bạc". Thế là chúng tôi đã cách điểm xuất phát một ngàn tám trăm hải lý và tàu Nau-ti-lúx đã hơi quay mũi về hướng đông nam. Tôi chỉ cho Nét và Công-xây xem hòn đảo nhỏ và lởm chởm đá, chơi vơi ở phía bắc Thái Bình Dương. Tôi nói:
-Nếu thuyền trưởng Nê-mô có đôi khi lên cạn thì tất nhiên ông ta phải chọn những hòn đảo hoang vắng nhất. Nét Len không trả lời mà chỉ lắc đầu, rồi cùng Công-xây đi ra. Sau buổi tối do người phục vụ câm lặng mang đến, tôi đi ngủ mà lòng vẫn hơi băn khoăn. Sớm 17 tháng 11, khi ngủ dậy, tôi thấy tàu Nau-ti-lúx đứng yên tại chỗ. Tôi vội mặc quần áo rồi sang phòng khách. Thuyền trưởng Nê-mô chờ tôi ở đó. Thấy tôi vào, ông ta cũng đứng dậy chào và hỏi tôi có đồng ý cùng đi săn không. Nê-mô không nhắc nhở gì đến chuyện ông ta vắng mặt tám ngày nên tôi cũng không đề cập tới vấn đề đó mà chỉ trả lời là tôi và hai người cùng đi đã sẵn sàng. Tôi nói thêm:
-Nhưng xin ngài cho tôi hỏi một điều.
-Ngài cứ tự nhiên. Nếu có thể, tôi sẽ trả lời.
-Thưa thuyền trưởng, ngài đã cắt đứt mọi quan hệ với đất liền, sao ngài lại làm chủ những khu rừng trên đảo Crét-xpô?
-Thưa giáo sư, rừng của tôi không cần ánh sáng mặt trời, cũng chẳng cần nắng ấm. ở đó không có sư tử, hổ, báo hay bất cứ một loài bốn chân nào khác. Những khu rừng đó chỉ có mình tôi biết và chỉ tồn tại cho riêng tôi. Đó không phải là rừng trên mặt đất mà ngầm dưới biển.
-Rừng ngầm à?
-Tôi sửng sốt.
-Vâng.
-Thuyền trưởng định mời tôi đi thăm khu rừng ấy?
-Đúng vậy.
-Đi bộ.
-Vâng, đi bộ nhưng chân vẫn không bị ướt.
-Chúng ta sẽ săn bắn ở đó?
-Vâng, sẽ săn bắn ở đó.
-Mang theo súng?
-Vâng, mang theo súng. Tôi nhìn thuyền trưởng Nê-mô một cách không lễ độ gì lắm. Tôi nghĩ bụng:
"Chắc ông ta không được tỉnh táo. Có lẽ tám ngày qua ông ta bị ốm, chẳng biết đã khỏi chưa? Thật đáng tiếc! Dù sao nói chuyện với một người lẩm cẩm còn hơn là nói chuyện với người điên!". Những ý nghĩ đó thể hiện rõ trên mặt tôi. Thuyền trưởng ra hiệu mời tôi đi theo. Tôi nhẫn nhục phục tùng ông ta. Chúng tôi vào phòng ăn, bữa điểm tâm đã bày sẵn. Nê-mô nói:
-Thưa ngài A-rô-nắc, mời ngài ăn lót dạ với tôi một cách tự nhiên. Vừa ăn, chúng ta vừa tiếp tục câu chuyện. Tôi mời ngài đi chơi rừng chứ không phải đi ăn hiệu! Vì vậy, tôi khuyên ngài ăn sáng thật no. Bữa trưa chúng ta sẽ ăn rất muộn. Nói thực lòng, bữa sáng ngon tuyệt. Thực đơn gồm toàn những món chế biến từ hải sản... Thoạt tiên thuyền trưởng Nê-mô ngồi ăn lặng lẽ. Sau đó ông ta nói:
-Thưa giáo sư, rõ ràng khi nhận lời mời của tôi đi săn ở đảo Crét-xpô, ngài đã cho tôi là người trước sau không như một. Khi ngài biết là tôi mời ngài tới những khu rừng ngầm dưới nước thì ngài lại cho tôi là một kẻ điên rồ. Thưa giáo sư, chớ bao giờ xét đoán con người một cách hời hợt.
-Nhưng, thưa thuyền trưởng, xin ngài tin rằng...
-Xin giáo sư nghe tôi nói hết, sau đó ngài hãy xét xem có thể buộc tôi là trước sau không như một hoặc điên rồ được không.
-Xin ngài cứ nói.
-Thưa giáo sư, cũng như tôi, ngài biết rằng con người có thể sống dưới nước nếu có một dự trữ không khí đủ để thở. Khi làm việc dưới nước, thợ lặn mặc quần áo không thấm nước, đội mũ sắt và thở không khí bơm từ trên xuống qua một loại ống đặc biệt.
-Đó gọi là bộ đồ lặn.
-Tôi nói.
-Rất đúng! Nhưng khi mặc đồ lặn, con người rất khó cử động. Cái ống cao su dẫn không khí thật là một cái xích trói buộc anh ta. Và nếu ta cũng bị cột chặt vào tàu Nau-ti-lúx như vậy thì ta không thể đi xa được.
-Vậy làm thế nào để tránh được sự ràng buộc đó?
-Tôi hỏi.
-Sử dụng máy Ru-cây-rôn Đơ-nây -ru-dơ do một người đồng hương của ngài sáng chế ra và được tôi cải tiến. Ngài có thể lặn xuống một môi trường có những điều kiện sinh học khác hẳn mà không sợ hãi gì đến sức khỏe. Máy đó là một bình chứa làm bằng sắt dày, trong có không khí nén dưới áp suất năm mươi át-mốt-phe. Bình chứa đó đeo trên lưng như chiếc ba-lô của lính. Máy Ru-cây-rôn thông thường có hai vòi cao su nối bình chứa với một mặt nạ đặc biệt: một vòi dẫn không khí vào, vòi kia thải không khí đã thở ra. Người thợ lặn khi cần sẽ lấy lưỡi ấn nắp đậy từng vòi. Nhưng có thể chịu đựng được sức ép rất lớn của những lớp nước trên, tôi thay mặt nạ bằng một chiếc mũ bằng đồng có hai ống: ống hít vào và ống thở ra.
-Thưa thuyền trưởng, thật là ưu việt! Nhưng dự trữ không khí rất chóng cạn, và khi tỉ lệ dưỡng khí tụt xuống còn 15% thì không khí đó không dùng để thở được nữa.
-Tất nhiên. Nhưng tôi đã thưa với ngài rằng máy bơm trên tàu cho phép tôi nén không khí dưới áp suất rất lớn, có thể bảo đảm cho người lặn đủ dưỡng khí thở trong chín
-mười giờ.
-Về điểm này tôi không dám tranh cãi, -tôi trả lời, -tôi chỉ muốn hỏi thêm là ngài làm thế nào soi được đường đi dưới đáy biển?
-Tôi dùng máy Rum-coóc-phơ. Bình chứa khí nén đeo phía sau, còn máy này thì buộc ở thắt lưng. Nó gồm một pin điện mà tôi nạp bằng na-tri. Một dây cảm ứng thu dòng điện và đưa vào một cái đèn được cấu tạo đặc biệt. Đèn này gồm một ống thủy tinh xoắn rỗng, chứa đầy khí các-bô-níc. Khi máy phát ra dòng điện thì khí cháy sáng lên. Như vậy tôi có thể vừa thở vừa nhìn thấy dưới nước.
-Thưa thuyền trưởng, ngài đã giải đáp tất cả những thắc mắc của tôi một cách tường tận đến mức tôi không dám nghi ngờ gì nữa. Nhưng tôi chỉ chịu thua trong vấn đề máy Ru-cây-rôn và máy Rum-coóc-phơ, còn về những khẩu súng săn mà ngài hứa trang bị cho tôi thì xin thú thật là chưa thông lắm.
-Nhưng đó có phải là súng bắn bằng thuốc nổ đâu, -Nê-mô trả lời.
-Vậy là súng bắn bằng khí nén?
-Tất nhiên! Sao tôi có thể làm được thuốc súng trên tàu khi chẳng có diêm tiêu, lưu hoàng trong tay?
-Ngoài ra, nếu bắn bằng đạn thông thường thì viên đạn sẽ gặp một sức cản rất lớn trong môi trường đặc biệt hơn không khí tám trăm năm nhăm lần!
-Tôi thêm.
-Cũng chẳng phải vì vậy đâu? Có một thứ súng được cải tiến có thể bắn được trong những điều kiện như vậy. Nhưng tôi xin nhắc lại là vì không có thuốc súng, nên tôi dùng khí nén do những máy bơm trên tàu có thể cung cấp một cách đầy đủ.
-Nhưng khí nén rất chóng hết.
-Có sao đâu! Tôi có bình chứa Ru-cây-rôn cơ mà! Nếu cần tôi sẽ dùng đến nó. Chỉ cần vặn cái vòi là xong! Ngài sẽ thấy tận mắt những người đi săn dưới biển dùng không tốn nhiều dưỡng khí và đạn lắm đâu.
Dù sao tôi cũng cảm thấy rằng trong bóng tối lờ mờ dưới đáy biển và do tỷ trọng rất lớn của nước biển, đạn không thể trúng đích ở xa được và không thể làm chết cá được.
-Thưa giáo sư, trái lại! Mỗi phát súng đều hạ được cá. Dù con cá có bị thương nhẹ đến đâu, nó cũng chết quay ra như bị sét đánh.
-Vì sao vậy?
-Vì những khẩu súng này không bắn bằng đạn thường mà bằng thứ đạn do nhà khoa học áo là Lê-ni-brốc sáng chế ra. Tôi dự trữ khá nhiều loại đạn này. Chúng chứa điện tích cao thế, chỉ cần khẽ chạm phải là con cá dù khỏe đến đâu cũng qụy ngay. Tôi xin nói ngay là viên đạn loại này không lớn hơn đạn chì cỡ bốn và ổ đạn có thể chứa ít nhất mười viên.
-Tôi xin bái phục ngài!
-Tôi vừa trả lời vừa đứng dậy khỏi bàn.
-Tôi chỉ còn việc nhận súng nữa thôi. Tóm lại, ngài đi đâu tôi xin đi theo đấy! Thuyền trưởng Nê-mô dẫn tôi xuống phía lái. Khi đi ngang qua phòng của Nét và Công-xây, tôi gọi họ. Hai người lập tức nhập bọn với chúng tôi. Sau đó chúng tôi vào một căn phòng cạnh buồng máy để mặc đồ lặn, chuẩn bị cho cuộc dạo chơi dưới biển.

No comments: